Thứ Tư, 12 tháng 6, 2013

HƯỚNG DẪN LÀM CHUYÊN ĐỀ 2

HƯỚNG DẪN VIẾT TIỂU LUẬN
CHUYÊN ĐỀ CHUYÊN SÂU
TỔ CHỨC LAO ĐỘNG TRONG DOANH NGHIỆP NHỎ & RẤT NHỎ
ĐẠI HỌC QUẢN TRỊ NHÂN LỰC

1.         MỤC ĐÍCH
- Giúp sinh viên rèn luyện khả năng viết luận, khả năng trình bày một nội dung khoa học theo kết cấu chuẩn;
- Rèn luyện cho sinh viên phương pháp giải quyết một vấn đề phát sinh trên thực tế một cách khoa học và lôgíc trên cơ sở tham khảo những tài liệu thứ cấp;
- Nghiên cứu và vận dụng những kiến thức của học phần tổ chức lao động và các học phần liên quan vào thực tế tại doanh nghiệp/đơn vị phù hợp với yêu cầu của chuyên đề chuyên sâu.
- Đánh giá kiến thức đã tích luỹ được trong quá trình học tập và kết quả tiểu luận được tính vào điểm kết luận của chuyên đề chuyên sâu.
2.         MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỤ THỂ
2.1.      Nội dung
- Tiểu luận là một bài viết ngắn để trình bày quan điểm, nghiên cứu phát hiện về một chủ đề nào đó mà người viết tâm đắc. Dù viết về một vấn đề gì thì nhiệm vụ của một bài tiểu luận phải: (1) nêu lên được vấn đề; (2) phân tích vấn đề; và (3) trình bày những kết quả mới mà người viết phát hiện được hay ý kiến, quan điểm, kết luận, kiến nghị, giải pháp của người viết về vấn đề đó.
- Sinh viên tự chọn đề tài cho bài tiểu luận (hoặc tham khảo ở phần 3 “Nội dung gợi ý viết tiểu luận”) nhưng phải gắn với nội dung của chuyên đề Tổ chức lao động trong doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ theo học phần Tổ chức lao động.
- Số liệu sử dụng trong bài tiểu luận phải đảm bảo tính cập nhật, bắt buộc phải có trích dẫn nguồn gốc.
2.2.      Định dạng tiểu luận
- Tiểu luận có thể viết bằng tay hoặc đánh máy trên khổ giấy A4 (chừa lề trên 02cm, lề dưới 02cm, lề trái 03cm và lề phải 02cm), từ 08 đến 15 trang, trình bày một mặt, dễ đọc, không đóng bìa bằng giấy bóng kính.
- Nếu đánh máy thì dùng font chữ Times New Roman, kích cỡ chữ 14; chế độ hàng (Line spacing): single; chế độ đoạn văn bản (Spacing): Before: 2 pt, After: 2 pt (Riêng dữ liệu trong bảng: linh hoạt).
- Các tiểu mục của tiểu luận được đánh số thành nhóm chữ số, nhiều nhất là ba chữ số (Ví dụ: 1.1.2.).
- Cấu trúc sắp xếp bài viết gồm:
+      Trang bìa: Trình bày theo mẫu kèm theo;
+      Trang thứ 2: Trang bìa lót bằng giấy A4 thông thường (nội dung giống bìa ngoài);
+      Trang thứ 3: Mục lục và các từ viết tắt (nếu có);
+      Trang tiếp theo là nội dung bài làm tiểu luận (bắt đầu đánh số trang);
+      Tài liệu tham khảo (bắt đầu trang mới);
+      Phụ lục (bắt đầu trang mới nếu có);
+      Trang gần cuối cùng: Trang bìa lót bằng giấy A4 thông thường;
+      Trang cuối cùng: Trang bìa (không có nội dung).
2.3.      Trích dẫn các tài liệu tham khảo
- Tài liệu trích dẫn là những nội dung rõ ràng mà chủ quyền tác giả thuộc về người viết gốc và tác giả dùng nó vào việc chứng minh. Khi có trích dẫn trong bài viết, sau nội dung trích dẫn (Nếu trích dẫn ngắn thì để trong ngoặc kép; nếu trích một đoạn dài thì toàn bộ nội dung này phải đẩy vào trong 1,5cm so với lề trái), tác giả phải ghi rõ nguồn gốc trích dẫn đó là từ đâu (sau mỗi đoạn trích dẫn, trong ngoặc đơn là tên tác giả, năm xuất bản và trang được trích dẫn. Tên tác giả này phải được ghi lại trong phần tài liệu tham khảo).
- Tất cả những nội dung tham khảo từ tài liệu khác mà không trích dẫn nguồn đều không có giá trị và không được chấm điểm.
2.4.      Trình bày Footnote, Endnote
- Trong bài viết, đôi lúc phải sử dụng đến các ghi chú cuối chân trang (footnotes) hoặc ở trang cuối cùng (endnotes). Mục đích là nói rõ thêm hoặc gợi ý các vấn đề có liên quan mà người viết muốn giải thích thêm cho nội dung chính. Sau đoạn văn cần giải thích tác giả đánh chỉ số theo thứ tự đoạn văn cần giải thích và cuối trang hoặc cuối nội dung bài tiểu luận đưa ra lời giải thích theo chỉ số của từng đoạn văn.
- Những tài liệu được ghi chú này phải có mặt ở phần “Tài liệu tham khảo”, việc này giúp người đọc tra cứu được các tài liệu gốc khi cần.
2.5.      Trình bày bảng biểu, biểu đồ, hình vẽ
- Bảng số liệu, biểu đồ, hình ảnh khi trích dẫn bắt buộc phải có số thứ tự, tên, đơn vị tính cho các số liệu và nguồn gốc số liệu.
- Sau bảng số liệu hay biểu đồ, hình ảnh phải ghi thật rõ ràng nguồn để đảm bảo mức tin cậy. Đó có thể là báo cáo của một doanh nghiệp/đơn vị, trích lại của tác giả khác hoặc điều tra của chính tác giả. Nếu không có điều này thì mọi lập luận của tác giả dựa vào số liệu, hình ảnh đó sẽ không có giá trị và không được chấm điểm.
2.6.      Danh mục tài liệu tham khảo
Cũng như tài liệu trích dẫn, danh mục tài liệu tham khảo phải được ghi lại ở cuối bài viết. Đây là những tài liệu mà tác giả mượn ý để làm tiền đề cho bài viết của mình. Có các loại tài liệu tham khảo khác nhau, chẳng hạn sách, một bài viết trong một tập sách gồm nhiều tác giả, tạp chí, tài liệu từ internet… ứng với mỗi tài liệu này đều có cách ghi khác nhau. Cụ thể như sau:
         Tài liệu là báo chí cần có các thông tin sau:
-       Tên tác giả,: in thường.
-       (năm công bố),: in thường, đặt trong ngoặc đơn, kết thúc bằng dấu phẩy.
-       Tên bài báo, bài nghiên cứu,: in thường, đặt trong ngoặc kép, kết thúc bằng dấu phẩy.
-       Tên báo hoặc tạp chí khoa học,: in thường-nghiêng, kết thúc bằng dấu phẩy.
-       tập: in thường, không có dấu ngăn cách.
-       (số),: in thường, đặt trong ngoặc đơn, kết thúc bằng dấu phẩy.
-       trang.: in thường, kết thúc bằng dấu chấm.
Ví dụ:  1.   Bùi Tất Thắng (2004), “Toàn cầu hóa và thách thức đối với lao động Việt Nam”, Nghiên cứu kinh tế; 2(5), 31.
         Tài liệu là sách, luận văn, tiểu luận, báo cáo:
-       Tên tác giả,: in thường.
-       (năm xuất bản),: in thường, đặt trong ngoặc đơn, kết thúc bằng dấu phẩy.
-       Tên sách luận văn, tiểu luận, báo cáo,: in thường-nghiêng, kết thúc bằng dấu phẩy.
-       Nhà xuất bản,: in thường, kết thúc bằng dấu phẩy.
-       Nơi xuất bản.: in thường, kết thúc bằng dấu chấm.
Ví dụ:  1. PGS, TS. Nguyễn Tiệp, (2007), Giáo trình Tổ chức lao động, Nhà xuất bản Lao động-Xã hội, Hà Nội.
         Tài liệu lấy từ Internet:
-       Tên tác giả,: in thường.
-       (Năm xuất bản),: in thường, đặt trong ngoặc đơn, kết thúc bằng dấu phẩy.
-       Tựa đề tài liệu tham khảo lấy từ Internet.: in thường-nghiêng, kết thúc bằng dấu chấm.
-       Được lấy về từ: http://www.....: in thường, kết thúc bằng dấu chấm.
2.7.      Phụ lục
- Phần này gồm những nội dung cần thiết nhằm minh họa hoặc bổ trợ cho nội dung tiểu luận như số liệu, mẫu biểu, tranh ảnh, văn bản pháp luật…
- Mỗi nội dung được trình bày thành một phụ lục riêng và được đánh số thứ tự (Ví dụ: Phụ lục 1).
- Các phân tích có liên quan đến phụ lục nào cần phải có đường dẫn tham chiếu đến phụ lục đó. Ví dụ: Xem phụ lục số 1.
2.8.      Thời hạn nộp tiểu luận: ngày 13/07/2013


3.       NỘI DUNG GỢI Ý VIẾT TIỂU LUẬN
Sinh viên có thể lựa chọn một trong các nội dung sau:
3.1.     Đánh giá thực trạng phân công lao động trong doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ (Chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn của các bộ phận trực thuộc; hệ thống chức danh & mô tả công việc; mức độ phù hợp giữa công việc với người lao động).
3.2.     Đánh giá thực trạng hợp tác lao động trong doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ (Mối quan hệ làm việc giữa các bộ phận trực thuộc và giữa các chức danh công việc với nhau).
3.3.     Đánh giá thực trạng chế độ làm việc và tổ chức ca làm việc của doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ.
3.4.     Đánh giá thực trạng tuyển chọn và bố trí lao động tại doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ.
3.5.     Đánh giá thực trạng và xây dựng quy trình đào tạo bổ sung cho người lao động tại doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ.
3.6.     Nội dung và khả năng tổ chức thực hiện hệ thống 5S tại nơi làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ.
3.7.     Điều kiện lao động tại doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ: Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp khắc phục.
3.8.     Đánh giá mức độ phức tạp của lao động quản lý: Lựa chọn phương pháp và đánh giá mức độ phức tạp của lao động quản lý.
3.9.     Đánh giá mức độ phức tạp của lao động công nghệ: Lựa chọn phương pháp và đánh giá mức độ phức tạp của lao động công nghệ.
3.10. Định biên lao động quản lý trong doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ.
3.11. Xây dựng và lựa chọn phương án định biên lao động của một nơi làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ.
3.12. Xây dựng phương án tổ chức lao động theo thời gian làm việc linh hoạt tại một (hoặc một số) nơi làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ.
3.13. Khuyến khích vật chất và tinh thần đối với người lao động: Phân tích thực trạng và đề xuất giải pháp hoàn thiện trong doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ.
3.14. Kỷ luật lao động đối với người lao động: Các hình thức kỷ luật áp dụng tại doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ? Phân tích thực trạng và xây dựng quy trình thực hiện.
3.15. Thực trạng và giải pháp hoàn thiện công tác tổ chức lao động trong doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ.

                                                                        GIẢNG VIÊN
                                                                ThS. Huỳnh Thị Thành



Text Box: MẪU BÌA TIỂU LUẬNBỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC LAO ĐỘNG – XÃ HỘI (CSII)




HỌ VÀ TÊN SINH VIÊN (Viết HOA)
Mã số sinh viên: ????????
Lớp: ????????



TIỂU LUẬN CHUYÊN ĐỀ
TỔ CHỨC LAO ĐỘNG
TRONG DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ RẤT NHỎ

TÊN TIỂU LUẬN (Viết HOA)





Giảng viên
ThS. HUỲNH THỊ THÀNH






Tp. Hồ Chí Minh, tháng 06/2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét